GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Ban Thông Tin Truyền Thông

Biên tập: TT Thích Thiện Phước, Trưởng Ban TTTT GHPGVN tỉnh Khánh Hòa.



Thông điệp Phât Đản PL.2562 của Đức Pháp Chủ HĐCN GHPGVN - Diễn văn của Chủ tịch HĐTS

30/05/2018

Thông điệp Phật đản PL.2562 của đức Pháp chủ GHPGVN

Thay mặt Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ, đồng bào Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài mùa Phật đản trọn vẹn niềm hoan hỷ vô biên, an lành trong Chính pháp!


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

 -----------------------------------

 Hà Nội, tháng 05 năm 2018, PL.2562

 

THÔNG ĐIỆP

ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2562

CỦA ĐỨC PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

 

Kính gửi: Chư Tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức tăng, ni, cư sĩ, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.

 

Hàng năm vào những ngày tháng 5 lịch sử là mùa Vesak thiêng liêng, những người Phật tử trên toàn thế giới hân hoan kính mừng ngày đản sinh của bậc Đạo sư Đại giác ngộ tôn quý đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hơn 26 thế kỷ qua, con đường giác ngộ mà Ngài đã soi sáng cho chúng ta đi đến bến bờ hạnh phúc, an lạc mãi mãi là chân lý thực tiễn phá bỏ sự bất bình đẳng, chiến tranh, xung đột và nghèo đói đem đến hòa bình và sự thịnh vượng cho nhân loại trên khắp hành tinh. Ánh sáng đó chiếu rọi đến đâu là ở đó tràn ngập tình thương yêu và trí tuệ sáng suốt cho sự phát triển bền vững vì lợi ích của số đông và vì hạnh phúc của loài người.

Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam cách đây 1.050 năm về trước khi vua Đinh Tiên Hoàng thành lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên đã có sự đóng góp quan trọng về tâm tài, trí tuệ của các vị thiền sư Phật giáo Việt Nam từ kiến trúc thượng tầng, đến chăm lo đời sống muôn dân, và bang giao quốc tế đều thấm đượm giáo lý Phật giáo mà tiêu biểu là Quốc sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu. Với tư tưởng: “Trong cây vốn có lửa”, mang triết lý sâu sắc của học thuyết Phật tính trong kinh Niết Bàn và giáo nghĩa tất cả các pháp đều là Phật pháp, trong kinh Pháp Hoa đã chỉ ra rằng con người ta không thể tìm thấy một thế giới giác ngộ nào khác bên ngoài cuộc đời này. Các vị thiền sư đại trí, đại tài đã ung dung, tự tại, coi sự hoàn thành việc đời như một chứng tích cho sự hoàn thành việc đạo, tích cực tham gia vào việc nước, việc dân và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Năm nay chúng ta kỷ niệm 1000 năm ngày viên tịch của Vạn Hạnh thiền sư, vị Quốc sư có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập nên vương triều Lý lấy tư tưởng triết lý Phật giáo là tư tưởng chủ đạo của quốc gia độc lập tự chủ Đại Việt. Đồng thời, chúng ta cũng chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 710 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, vị Sơ Tổ khai sáng nền Phật giáo Trúc Lâm với tư tưởng hòa quang đồng trần, đưa đạo vào đời, lấy đời phát triển đạo tiêu biểu của tinh thần nhập thế Phật giáo Việt Nam.

Kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, ngược dòng lịch sử tự hào về sự đóng góp vĩ đại của các bậc Tổ sư đại trí cho dân tộc, Tăng Ni, Phật tử, tổ chức thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nâng cao tinh thần: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần đem lại cuộc sống an lạc, thịnh vượng cho nhân dân, hòa bình cho nhân loại.

Thay mặt Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ, đồng bào Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài mùa Phật đản trọn vẹn niềm hoan hỷ vô biên, an lành trong Chính pháp!

 

Nam mô Thường Tinh Tiến Bồ tát Ma Ha tát.

ĐỨC PHÁP CHỦ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(đã ấn ký) 

 

Diễn văn Phật đản PL.2562 của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS

(PGVN)

Phát huy những thành quả đã đạt được, nhân dịp kính mừng ngày Đản sinh của Đức Từ Phụ năm nay, tôi mong muốn toàn thể Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài hãy tinh tấn tu học, nỗ lực trong tu tập Giới – Định – Tuệ thông qua Bát Chánh Đạo, thực hiện lời dạy của Đức Phật: “ Này các Thày Tỳ kheo, hãy ra đi mỗi người một ngả để truyền bá Chánh pháp, vì lợi ích cho chúng sinh, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

------------------------ 

 

DIỄN VĂN PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2562

của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

 

Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Tăng Ni; 

Kính thưa quý Phật tử trong và ngoài nước,

Mỗi khi mùa hoa sen nở rộ khắp các miền quê nơi dải đất hình chữ S Việt Nam thân yêu của chúng ta, chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam lại cùng với hàng trăm triệu tín đồ Phật giáo trên khắp nơi trên thế giới hân hoan đón mừng lễ kỷ niệm ngày Khánh đản của Đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni. Ngày Phật đản năm nay, PL.2562, cũng là sự kiện Đại hy hữu cách đây 2642 năm, đấng Đại hùng Đại lực Đại từ bi Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian nơi vườn Lâm Tỳ Ni lịch sử nhằm “Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”, tỏa rạng ánh sáng từ bi, trí tuệ khắp muôn nơi, chỉ cho chúng sinh con đường trở về bản tâm thanh tịnh, hướng đến đời sống chân – thiện – mỹ và giải thoát, giác ngộ.

Kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Từ phụ, chúng ta lắng lòng nhớ lời dạy của Người: “Có Niết bàn, có con đường đưa đến Niết bàn và ta là người chỉ đường”. Con đường đó là con đường Trung đạo, là con đường Giới – Định – Tuệ thông qua Bát Chánh Đạo, con đường của Người thầy chỉ dạy cho mỗi chúng ta dù ở một góc nhỏ nào trên trái đất này, không phân biệt quốc gia, địa vị, đẳng cấp, màu da, hay bất kỳ một niềm tin, tín ngưỡng nào đều phải vượt lên trên lợi ích cá nhân, phải luôn đặt lợi ích của số đông lên trên tất cả. Con đường đó đem đến chất liệu nhiệm màu hóa giải những khổ đau của nhân loại trước những xung đột, chiến tranh, sự bất bình đẳng, sự bất ổn của những biến đổi khí hậu đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Thế giới quan Phật giáo chỉ ra rằng: Tâm bình thì thế giới bình. Chỉ có thể giải quyết tận gốc rễ các khủng hoảng từ chính nội tâm của mỗi con người chúng ta. Một quốc gia sẽ phát triển thịnh vượng, bền vững khi mỗi người dân trong quốc gia đó sống không vị kỷ, không đặt kể cả lợi ích của một nhóm nhỏ trong xã hội lên trên lợi ích của toàn dân. Một khu vực và toàn thế giới sẽ đạt được sự ổn định và hòa bình trong sự bao dung, và tinh thần bất bạo động của Phật giáo, như trong Kinh Tăng Chi Bộ chương Bảy Pháp Đức Phật đã nêu 07 điều kiện hưng thịnh của một quốc gia.

Kính thưa Quý vị,

Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hôm nay long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh PL.2562 – DL.2018 trong niềm hoan hỷ vô biên của dư âm thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII với 9 mục tiêu phương hướng mang tầm chiến lược phát triển Giáo hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, vừa kế thừa tinh hoa 2000 năm Phật giáo Việt Nam gắn liền với dân tộc, vừa thể hiện tính nhập thế thực tiễn góp phần xây dựng và phát triển đất nước và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội. Ngay sau khi Đại hội thành công, các cấp Giáo hội đã triển khai các Phật sự quan trọng như củng cố, kiện toàn, và cấu trúc nhân sự của các Ban ngành viện Trung ương cũng như việc hoạch định những Phật sự cần triển khai trong năm 2018, điều chỉnh một số nội quy cho phù hợp với chương trình hoạt động của nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) và tinh thần của Nghị quyết đã thông qua trước Đại hội thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Trong thời gian tới chúng ta cần tập trung tổ chức tốt kỳ An cư kết hạ PL. 2562 nêu cao tính kỷ cương, hành trì giới luật để trang nghiêm Giáo hội. Hội thảo và kỷ niệm 1000 năm ngày Quốc sư Vạn Hạnh viên tịch, 710 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt và Đại lễ kỷ niệm 55 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc. Đó chính là những di sản vô giá của Phật giáo Việt Nam được lịch sử khắc sâu ghi nhớ để lại muôn đời cho hậu thế noi theo.

Phát huy những thành quả đã đạt được, nhân dịp kính mừng ngày Đản sinh của Đức Từ Phụ năm nay, tôi mong muốn toàn thể Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài hãy tinh tấn tu học, nỗ lực trong tu tập Giới – Định – Tuệ thông qua Bát Chánh Đạo, thực hiện lời dạy của Đức Phật: “ Này các Thày Tỳ kheo, hãy ra đi mỗi người một ngả để truyền bá Chánh pháp, vì lợi ích cho chúng sinh, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”. Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam phấn đấu, làm tốt sứ mạng hoằng dương Chính pháp, đem đạo thấm sâu vào đời sống nhân gian, đoàn kết hòa hợp vì Phật sự chung, vì lợi ích của dân tộc và sự nghiệp phục vụ chúng sinh để có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Sống tốt đời, đẹp đạo nhân mùa Đản sinh của Đức Từ phụ Thích-ca Mâu-ni.

 

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.

Top