GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Ban Thông Tin Truyền Thông

Biên tập: TT Thích Thiện Phước, Trưởng Ban TTTT GHPGVN tỉnh Khánh Hòa.



Thánh tử đạo Thích Nữ Diêu Quang vị pháp thiêu thân

03/11/2019

THAM LUẬN:

HỘI THẢO KHOA HỌC TẠI HỌC VIÊN PHẬT GIÁO VN -HÀ NỘI

“Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam và Lễ tưởng niệm 906 năm ngày Ni sư Diệu Nhân cùng chư vị tiền bối ni viên tich”

Đề tài: Thánh tử đạo  Thích Nữ Diệu Quang với phong trào        tranh đấu Phật giáo Pháp nạn 1963

(Cư sĩ Đúc Minh – Nguyễn Thị Phương Loan)

         Trong lời giới thiệu “NHÌN LẠI PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM năm 1963”  của PGS.TS.Trương Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Đại học Quốc gia TP Hồ Chính Minh đã viết:  “Phật giáo Việt Nam với tư tưởng nhập thế “Hộ quốc An dân” luôn đông hành cùng quá trình dựng nước , giữ nước, luôn miệt mài vì độc lập tự do cùng dân tộc. Trong cuộc đồng hành đó phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 như một điểm nhấn rực rỡ, đánh dấu bước chuyển lớn trên con đường hướng nội và nhập thế đến tân cùng vì dân tộc…”


Tham luận  về Cà-sa vương khói (Đôi nét bi hùng trong cơn Pháp nạn 1963 tại Nha Trang, Khánh Hòa) NNC. Tịnh Minh – Đoàn Ngọc Chức, Giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM viết: “Pháp nạn Phật giáo Việt Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm xuất phát từ việc chính phủ, đúng ra là mật lệnh của Giám mục cơ tâm Ngô Đình Thục, bào huynh của ông Diệm, cấm treo cờ Phật giáo trong dịp lễ Phật đản 8-5-1963 tại Huế đến ngày Cách mạng thành công 01-11-1963 tại Sài Gòn. Trong sáu tháng pháp nạn đó đã diễn ra biết bao cảnh tượng bi thương, bi kịch, bi tráng, bi hùng khắp cả miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ở Nha Trang, nơi tác giả tuy tuổi vị thành niên nhưng là chứng nhân với những vụ dấn thân biểu tình, phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo…”

Đặc biết là sau lời chế giễu của Bà Trần Lệ Xuân: “Dù cho có thiếu lễ độ với Phật giáo đi nữa thì có lúc cũng cần phải thiếu lễ độ!”. Xúc động và cảm kích hơn nữa là các ngọn đuốc tự thiêu vì công lý và bình đẳng tôn giáo của Đại đức Thích Nguyên Hương 4/8/63 tại Phan Thiết; Thích Thanh Tuệ 13/8/63 tại Huế; Thích Nữ Diệu Quang 15/8/63 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa; nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết sáng ngày 25/8/63 trong cuộc biểu tình trước chợ Bến Thành Sài Gòn; rồi Đại đức Thích Quảng Hương cũng phát nguyện tự thiêu ngày 5/10/63 tại công trường Diên Hồng, bồn binh Chợ Lớn Sài Gòn, đã góp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh bảo vệ Đạo pháp và tự do tín ngưỡng.

Trong phạm vi đề tài tham luận xin trân trọng giới thiệu về Thánh tử đạo Thích Nữ Diệu Quang vị pháp thiêu thân mùa Pháp nạn 1963 tai Ninh Hòa, Khánh Hòa.


1.- Thánh tử Đạo Thích Nữ Diệu Quang (1936-1963)

Thánh tử đạo Thích Nữ Diệu Quang thế danh Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, sinh ngày 11.01.1936, tại xã Phù Cát, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên và nơi đây cũng là nơi chánh quán. Thân phụ là ông Ngô Đình Hòe và Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Nghĩa, gia đình của Ni Cô hiện cư trú tại Nha Trang.

Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp gia phong, thuở thiếu thời Cô đã là một người chị gương mẫu trong gia đình. Cô là con thứ 2, chị đầu của Cô là tu sĩ Huệ Thành hiện tu tại chùa Từ Nghiêm, Sài Gòn.

Nhận thấy cuộc đời là giả tạm, năm 21 tuổi, Cô đã cắt ái từ thân, mở đầu cuộc hành trình đi tìm đạo pháp. Thấu được lòng thành khẩn của Cô, Ni Sư Thích Nữ Như Hoa, trụ trì chùa Vạn Thạnh ở Nha Trang đã thâu nhận Cô làm đệ tử.

Với tinh thần quyết chí tu học và nhờ trợ duyên ngoại điển, học xong ban trung học Cô được thọ Sa Di Ni giới năm 21 tuổi và tiếp tục theo học các lớp nội điển tại Phật Học Viện Nha Trang.

Năm 26 tuổi, Sư Cô  thọ giới Thức Xoa Ma Na. Để đóng góp vào phần nào công việc xây dựng thế hệ mai sau và thể hiện  tinh thần lợi tha của Phật pháp, Sư Cô phát tâm theo dạy các lớp sơ học tư thục Thiện Tài (Nha Trang) miễn phí do Tỉnh giáo hội Phật giáo Khánh Hòa quản trị.

Năm 1963, Sư Cô 27 tuổi, vì thấy đạo pháp lâm nguy, Sư Cô tự mình tẩm xăng tự thiêu để cảnh tỉnh sự mê muội của nhà Ngô và cứu nguy đạo pháp.

Sư Cô đã tự thiêu vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 26 tháng 6 năm Quý Mão, tức ngày 15.8.1963, tại cạnh trường Hòa Xuyên, gần Ngân hàng Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang 35km về hướng Bắc, cách chùa Đức Hòa - Chi Hội Phật Giáo Ninh Hòa chừng một cây số. Ngay sau khi Sư Cô tự thiêu, quý Thầy đang tập trung đứng canh giữ di thể Sư Cô thì nhà cầm quyền với phương tiện sẵn có, dùng áp lực cướp thi hài và tất cả những bức thư di bút của Sư Cô mang đi biệt tích, không ai biết được nội dung của những bức di thư Sư Cô để lại. Ông Quận Trưởng Ninh Hòa đã đánh lừa thầy Trị Sự Trưởng, thầy trụ trì chùa hội quận Chi Hội Ninh Hòa vá quý thầy khác đó là thi hài của một người điên lâu nay ở tại quận.

Phẩn uất về thái độ của giới công quyền, một cuộc biểu tình tuần hành rất lớn được tổ chức ngay tại  Nha Trang để phản đối. Cuộc biểu tình này bị đàn áp hết sức dã man. Hơn 200 người bị bắt giữ và gần 30 người bị đả thương. Chùa Long Sơn, Nha Trang; Hội quán GĐPT Khánh Hòa và Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang bị phong tỏa, điện nước bị cắt suốt trong 3 ngày đêm. Khoảng 300 Tăng sĩ và Cư sĩ thân cận chư Tăng bị cô lập trong 2 địa điểm ấy.

Ngọn đuốc Diệu Quang là ngọn đuốc thứ tư  Pháp Nạn 1963 của Phật giáo   tại miền Nam Việt Nam.


 2.- Đôi dòng cảm niệm

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, ta thấy triều đại Ngô Đình Diệm chỉ tồn tại được chín năm, một thời hạn ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho đời, cho hậu thế một vết tích khó phai; một chấm đen trong dòng lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nguyên nhân chính là do độc tài và cuồng tín về cái gọi là mặc khải (incarnation), tuyển trạch (elect) từ một quyền năng siêu nhiên. Ngô Đình Diệm xuất thân từ một gia đình khoa bảng, học hành thành đạt, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại dưới triều vua Bảo Đại, ấy thế mà khi nắm được quyền lực trong tay thì quên hẳn đạo lý sơ đẳng của Nho giáo:

Bình sinh hành thiện thiên gia phước,

Nhược thị ngu ngoan thọ họa ương.

Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,

Cao phi viễn tẩu dã nan tàng.

(Suốt đời làm thiện trời ban phước,

Gàn bướng ngu ngang chịu tai ương.

Lành dữ cuối cùng đều báo ứng,

Xa chạy cao bay khó lánh đường.)

Còn Phật giáo thì:

Không trời cao biển rộng,

Không hang động núi rừng,

Đã tạo nghiệp ác độc,

Trên đời hết chỗ dung.

(Pháp Cú 127)


3.- Lời kết:

Tóm lại, theo trải nghiệm dân gian:

Trạm trạm thanh thiên bất khả khi,

Vị tằng cử ý ngã tiên tri.

Khuyến quân mạc tác khuy tâm sự,

Cổ vãng kim lai phóng quá thùy.

(Thăm thẳm trời cao khó dối thay,

Mới vừa nảy ý đã liền hay.

Chớ nên học thói gây ngang trái,

Nhân quả xưa nay chẳng thứ ai.)

Vâng, “Chớ nên học thói gây ngang trái”, vì “Nhân quả xưa nay chẳng thứ ai”.

 Cư sĩ Đức Minh – Phương Loan, Đêm Thu thành phố Hồ Chí Minh – Tháng 10/2019


                                        

                                                                            

Top